Ăn “hết cả” Phố núi Pleiku

10 Likes Comment

Mày đi Pleiku chưa? Có gì vui không?”

Mình hỏi mấy đứa cuồng chân trong công ty. Câu trả lời chung là “Pleiku chán òm, có gì đâu mà lên”. Mấy đứa này thật là không có tư tưởng… giống mình gì cả!

Ở đâu mà chẳng có cái thú vui của riêng nó, không có chỗ chơi thì tìm đến chỗ xơi cho đã những món ngon chuẩn địa phương chẳng phải là cũng tuyệt thú ư!

Thanh bình Phố núi Pleiku

Pleiku thành phố đầy nắng, đầy gió thuộc tỉnh Gia Lai, là một trong ba thành phố lớn nhất của khu vực Tây Nguyên. Từ TPHCM, bạn chỉ có 2 cách để đến Pleiku, một là đi đường bộ với khoảng cách khoảng gần 600km, hai là đường hàng không với thời gian bay khoảng một tiếng đồng hồ.

Chiếc máy bay Airbus 321 của Vietjet hạ cánh xuống sân bay Pleiku lúc 6h chiều khi trời chưa kịp tối hẳn nhưng đèn đường đã bật sáng. Nhìn từ trên xuống cảm giác thanh bình thật đẹp và lung linh. Sân bay cách trung tâm thành phố khoảng 6km nên mình kêu ngay một chú xe ôm để đi về thành phố.

Vừa tranh thủ tận hưởng không khí mát lành vốn có của Phố núi khi dần về đêm, vừa ngắm ngía phố phường một chút xem sao. Đường thoáng thênh thênh, khác hẳn với những đoàn xe rồng rắn đông đúc và ồn ào ở đất Sài Gòn. Có nhiều đoạn dốc lên nhìn từ xa như thẳng đứng thật đã mắt. Đơn giản vậy thôi mà thấy cứ phơi phới trong lòng.

Nói không có gì chơi cũng chẳng oan. Thị trấn chắng có lấy một trung tâm thương mại sầm uất hay những khu vui chơi giải trí nhạc đèn xập xình hào nhoáng…

Và tất nhiên có mỏi mắt tìm mãi cũng không ra những khu resort hiện đại cách biệt. Đổi lại là miên man nắng hắt, là bao la gió mát, đong đưa hương vị đại ngàn.

Ẩm thực tuyệt vời

Để mình kể cho các bạn nghe về những món ăn mà mình nghĩ các bạn không nên bỏ qua khi có dịp ghé thăm Phố núi Pleiku. Mình chỉ có một từ để chia sẻ: TUYỆT VỜI!

Chỉ cần bỏ túi những món ăn này thôi, bạn dường như đã “ăn cả” Pleiku chỉ trong hai ngày cuối tuần rồi đó.

Bún mắm cua

Bún mắm cua hay với tên gọi bình dân hơn là Bún cua… thúi. Đây được xem là món “đặc sản” của Pleiku mà gần như ai xa Pleiku cũng sẽ nhớ tới mùi, tới vị và cả cái hương riêng thum thủm ấy nữa.

Thật ra, món ăn này có xuất xứ từ những khu dân nghèo ở Bình Định, sau này họ di dân lên Pleiku sinh sống và “nhập” luôn món ăn này vào Pleiku. Trải qua thời gian, trở thành món ăn “gây thương nhớ” của Phố núi Pleiku.

Món này có mùi gắt đặc trưng đó là do chất đạm trong thịt cua bị phân hủy sau khi được đậy kín và ủ qua đêm cho nước cua “lên tuổi”. Sau đó sẽ được chưng thành mắm cua. Cực đơn giản khi bạn chỉ cần chan muỗng mắm vào tô bún là có thể thưởng thức ngay rồi. Để tăng độ hấp dẫn, hãy thêm rau, thêm nem, thêm chả vào nữa. Nếu ăn được cay, cắn thêm mấy trái ớt xanh nhỏ xinh nữa thì chẹp chẹp… úi da!

Món này thường được bán từ tầm chiều đến tối. Bạn có thể tìm thấy món này dễ dàng ở khu xóm chợ nhỏ đường Phùng Hưng hoặc đoạn đường Quyết Tiến – giao với Đồng Tiến.

Cứ thấy mùi nằng nặng, găn gắt và đám đông đang xum xít vây quanh là bạn đã tìm đúng địa chỉ rồi.

Phở khô

Chắc hẳn các bạn sẽ dễ dàng gặp những bảng hiệu “Phở Khô Gia Lai” đâu đó trên những con đường bạn chạy qua ở các thành phố khác. Điều này chứng tỏ món này “có tên có tuổi” lắm rồi đó.

Phở khô Gia Lai hay còn gọi là phở Hai tô bởi lẽ: mỗi phần ăn được dọn ra bao gồm một tô chứa bánh phở, một tô chứa nước dùng được nấu rất thơm ngon. Sợi phở ở đây cũng khác, nhìn khá giống với sợi hủ tiếu mà bạn thường gặp ở Sài Gòn.

Sợi phở được làm từ gạo nên chỉ cần nhúng qua nước sôi là đủ giữ độ dai và thơm rồi. Khi ăn món này, tùy khẩu vị của bạn mà nêm nếm thêm xì dầu, tương, chanh, ớt, giấm,…

Món ăn này thường được bán cả ngày và bạn có thể đến ăn tại Phở khô Ngọc Sơn (15 Nguyễn Thái Học), Phở Nữ (Nguyễn Du),…

Bánh xèo

Nếu bạn chưa biết ăn sáng bằng món gì, có thể xem món bánh xèo này là một gợi ý. Khác với việc bánh xèo được bán vào buổi chiều tối ở Sài Gòn và nhiều nơi khác, ở Pleiku bánh xèo lại được dùng để ăn sáng.

Bánh xèo Pleiku được đổ với bột gạo trắng không pha màu hay pha nghệ, thêm chút thịt bò ướp thơm thơm, chút giá, hành, bạn còn có thể yêu cầu thêm trứng gà nữa. Sau đó bánh được đổ vào một chiếc dĩa nhỏ. Việc của bạn là thêm rau, chan mắm, thêm ớt vào là thưởng thức thôi.

Quanh khu vực trường Nguyễn Du có khá nhiều quán bán món ăn này, nhưng lẽ quán bánh xèo lâu đời của Bà Tám ở số 05, Trần Bình Trọng là được yêu thích nhất.

Gà nướng

Món này khá là nổi tiếng ở đất Gia Lai. Gà chủ yếu là gà nuôi trong các làng, mỗi con trên dưới 1kg thì thịt mới ngon và đặc biệt được nướng xa lửa – là nướng cách mặt lửa chừng một gang tay thay vì đặt ngang trên bếp.

Một con gà nướng cần ít nhất 45 phút thì mới chín đều được. Vì gà chín bằng hơi nóng phà ra từ lửa nên đảm bảo hạn chế bị cháy và không bị mất đi vị ngọt của thịt gà.

Tốt nhất bạn hãy gọi đặt gà trước khi tới quán để giảm thời gian ngồi chờ. Món này thường ăn kèm với cơm lam. Lần này mình ăn một mình nên thôi… xực hết con gà là được rồi, không “nỡ” gọi thêm cơm lam.

Món này có thể đến khu làng Plei Têng cách trung tâm Pleiku khoảng 11km để thưởng thức. Quán nổi tiếng nhất khu này là Gà nướng Plit (33 Đào Duy Từ), cách đó không xa mấy cho đỡ đông.

Gỏi lá

Đã đến du lịch Gia Lai rồi thì không nên tiếc quãng đường 45km để chạy xuống Kontum và thưởng thức món Gỏi lá – món ăn được công nhận là top 10 đặc sản Việt Nam đạt giá trị ẩm thực Châu Á lần thứ hai năm 2013. Bạn đừng lo đường từ Pleiku xuống Kontum rộng và đẹp lắm.

Món này thì… như tên gọi, toàn là lá thôi. Một phần ăn bao gồm: một combo rau – lá, thịt ba chỉ, tôm, bì, giò thú. Thêm đĩa tiêu nguyên hạt, muối hạt và ớt xanh. Kèm theo tô nước sốt chấm có hương vị cực đặc biệt.

Tô nước chấm đó là thứ kỳ công nhất của món ăn này. Nào là ủ gạo nếp lên men với tôm khô, thịt ba chỉ rồi xay nguyễn. Sau đó cho lên chảo dầu nóng, thêm hành phi, thêm mè, gia vị rồi đảo đều tay.

Món này hoàn toàn dựa vào độ nhạy của người nấu, chỉ cần nghe mùi bốc lên của nước sốt là biết nước chấm đã đạt chuẩn hay chưa.

Còn cách ăn thì khá cầu kỳ. Đúng quy trình sẽ là: lấy lá cải hoặc lá mơ làm lá cuốn thành phễu nhỏ, sau đó cho thêm lá chua và vài lá khác tùy lựa chọn, bỏ miếng thịt ba chỉ, tôm, bì lợn… vào trong “phễu”, nhất định phải cho thêm hạt tiêu và hạt muối, một chút nước chấm. Cắn một miếng rồi nhai thật kỹ để cảm nhận đủ hương vị của các loại lá, chua chua của lá cóc rừng non, bùi bùi của lá sung, chát chát của lá mơ…

Món này có hẳn một khu phố Gỏi lá ở đường Trần Cao Vân (Kontum) với nhiều quán khác nhau, như Út Cưng, Sức Sống Mới… để các bạn lựa chọn.

Và tất nhiên, còn rất nhiều món ngon khác như mỳ quảng, bánh xèo, miến gà, bánh hỏi lòng heo… cho các bạn thỏa sức tận hưởng.

Dù có người cho rằng Pleiku chán òm nhưng với mình – hy vọng thêm nhiều bạn nữa – được trải nghiệm và nhận ra rằng: Pleiku có rất nhiều cái thú vị lắm nha!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *